Từ thế kỷ thứ 9, thổ dân vùng cao nguyên Ethiopia đã tìm thấy và lần đầu tiên sử dụng cà phê, cách thức pha chế của họ cũng thật đơn giản: bỏ hạt cà phê lên một chảo sắt to, rang lên thật khô, sau đó được nghiền vụn bằng cách cho vào một cối vã giã. Sau đó lấy bã, trộn chung với đường nấu lên trong một ấm cổ có quai, đổ ra bát và thưởng thức.
Điều đó cũng cho chúng ta thấy được, dù cách thức pha chế cà phê lúc xưa và cà phê hiện đại có khác nhau bởi công nghệ ngày càng phát triển và hiện đại hóa, nhưng cách thức pha chế cà phê có lẽ là hoàn toàn giống nhau: Cà phê ngậm trong nước cho đến khi được nấu chín, cho vị ngon và công cụ để chế biến cà phê cũng thật đơn giản: nước, lửa, một cái ấm, đồ lọc.
Cà phê ngậm trong nước được nấu chín với công cụ để chế biến thật đơn giản: nước, lửa, một cái ấm, đồ lọc.
Cà phê đến với Việt Nam trong cuộc thế chiến thứ 2 khi Pháp xâm lược nước ta, cà phê được phiên dịch từ tiếng Pháp: “Cafe”, cây cà phê được trồng rộng rãi trong các đồn điền của Việt Nam. Hiện nay, cây cà phê vẫn là một trong các mặt hàng nông sản quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Cà phê Việt xưa và nay
Cà phê ở Việt Nam vào thời xưa chỉ có hai cách pha chế và thưởng thức cà phê: pha bằng vợt theo cách của người Hoa hoặc pha bằng phin theo cách của người Tây. Việt Nam thời xưa hay sử dụng cách của người Hoa, cà phê được ngâm trong một cái vợt trong ấm bằng sành và luôn được giữ nóng trên bếp than. Hiện nay nếu bạn để ý, các quán cà phê nhỏ gọn hay được người dân gọi là các quán cà phê cóc, kiểu pha cà phê này cũng được cải tiến đôi chút nhưng vẫn giữ được nét xưa, thay vì bếp than thì đã là bếp gas, cà phê bột được bọc trong nhiều lớp vải mùng và ngâm hẳn trong nước, chiếc ấm bằng sành ngày xưa đã được thay thế bằng những chiếc ấm nhôm có thể tích lớn, sau đó vớt vãi mùng vứt đi, cà phê có dễ dàng được hâm nóng với tốc độ nhanh chóng của bếp gas. Những quán đông khác thì chỉ cần thay cà phê trong vải mùng, châm thêm nước còn bếp gas thì không bao giờ tắt cả.
Cà phê “Kho” và cà phê phin
Khi mật độ dân số tăng nhanh, nhu cầu uống cà phê trở thành thói quen, ít phụ thuộc vào hương vị, cách pha cà phê như thế mỗi nơi gọi một khác, ở Đà Lạt người ta gọi là cà phê “Kho”, vì cảm giác chế biến cà phê không khác gì kho cà phê. Nhưng cũng đừng vì vậy mà các bạn nghĩ cà phê “Kho” lại kém đi phần hấp dẫn, xã hội càng phát triển, cà phê được pha trộn rất ngon, những quán cà phê cóc đông khách luôn có hương vị cà phê “Kho” riêng, những ly cà phê đầy bọt nhìn rất hấp dẫn và quan trọng nhất là “tiện và kinh tế”, hai yếu tố rất quan trọng. Vì vậy, cà phê “Kho” trở nên thịnh hành đối với những người làm việc công sở và dân lao động..
Cà phê “Kho” Việt – Ảnh vnexpress
Bên cạnh cách pha bằng vợt được cải tiến thành cà phê “Kho” như hiện nay, cách pha cổ điển bằng phin của người Tây vẫn luôn thịnh hành, ta có thể dễ dàng bắt gặp một quán cà phê trên đường phố Việt Nam. Ở Việt Nam, bất kể nơi đâu, bất kì thời điểm nào cũng có một vài người, thậm chí có quán rất đông đến vài chục, có quán rộng thì cả trăm người Việt Nam đang đi lại, thưởng thức trong quán cà phê. Dân sành cà phê thường uống cà phê đen, một số còn không uống chung với đường, người ta cho rằng: “khi uống cà phê đen, không đường mà cảm nhận được vị ngọt trong cái đắng đắng, chát chát của cà phê thì mới gọi là cảm nhận cà phê, uống cà phê mà pha thêm sữa hay bỏ đá thì bị mất đi cái hương vị của cà phê”.
Cà phê phin xưa và cà phê phin ngày nay có cùng một cách pha chế, có khác nhau thì cũng chỉ là bí quyết của người pha chế: trộn các loại cà phê lại với nhau tạo thành một loại cà phê độc đáo của quán. Ở Việt Nam, có lẽ, nét độc đáo của cà phê là mỗi quán khác nhau lại có hương vị cà phê hoàn toàn khác nhau.
Cà phê – một phần không thể thiếu
Thời điểm hiện tại, rất nhiều cách pha chế mới, cà phê cappuccino, espresso, latte macchiato…được các quán cà phê sang trọng pha chế theo cách của phương Tây. Văn hóa cà phê của Việt Nam vì vậy cũng phát triển không ngừng, các quán cà phê hạng sang với nhiều chiêu thức pha chế cà phê độc đáo mọc lên, cách thức phục vụ cũng càng ngày được nâng cao, lịch sự trang nhã với rất nhiều mức giá: từ trung bình 5-7 ngàn một ly, 30-35 ngàn một ly, thậm chí có quán lên đến cả trăm ngàn. Các quán cà phê hiện diện khắp các phố phường, tỏa khắp các ngõ ngách và trở thành nét văn hoá quen thuộc.
Bên cạnh những cách pha chế cà phê truyền thống, cà phê pha máy cũng dần trở thành 1 xu hướng mới, hội nhập theo dòng chảy “Văn hóa cà phê Việt” vì tính tiện lợi và nhanh chóng của chúng. Hãy liên hệ với CAFE.NET.VN, để biết thêm thông tin những chiếc máy pha cà phê tiện ích này nhé !
(ST. Cà phê và Văn Hóa)